Thứ 3, 8/4/2025, 06:22:46 AM
image banner
Gắn bó với cái đục, cái đẽo, say sưa với nghề nhưng ông luôn mang trong mình những trăn trở về cuộc sống.
Lượt xem: 113

    Nhiều năm làm nghề mộc, ông nhận thấy gỗ lũa tại địa phương nhiều nhưng người dân thường làm củi đun. Từ những trăn trở đó, ông đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật làm gỗ lũa. Bây giờ, ông đã có một xưởng sản xuất gỗ lũa lớn, mang lại cuộc sống khấm khá cho gia đình. Ông là Lê Đình Vỹ (60 tuổi) trú tại xóm Đông Sơn (Hậu Thành, Yên Thành, Nghệ An).

Anh-tin-bai
                               Ông Vỹ đang "thổi hồn" cho những gốc cây vô tri vô giác.

 

Những trăn trở

Sau khi rời quân ngũ, ông về quê lúa Yên Thành lập gia đình và sinh con. Năm 1980, ông mở một xưởng gỗ làm mộc. Gắn bó với cái đục, cái đẽo, say sưa với nghề nhưng ông luôn mang trong mình những trăn trở về cuộc sống mưu sinh.
 
Ông chia sẻ những trăn trở: "Nhận thấy tại địa phương có nhiều nguyên liệu về gốc gỗ lũa. Tôi nghĩ, tại sao không chế ra một cái gì đó "mang tính nghệ thuật" từ những gốc cây vốn để làm củi đun này. Một số làng nghề truyền thống trong nước cũng đã làm được những sản phẩm mang tính nghệ thuật từ "những thứ bỏ đi" này. Bên cạnh đó, đời sống vật chất của người dân đang dần được nâng cao, người ta đã bắt đầu có xu hướng chơi các gốc gỗ lũa".
Ông Vỹ đã vào rừng sưu tầm và tìm mua các gốc gỗ lũa để tạo dáng, tạo hình các con vật sinh động, các đồ dùng nhỏ như: bình đựng tăm, bình hoa, bình hương... "Tuy nhiên, những sản phẩm đầu tay đều không mang giá trị nghệ thuật cao. Những sản phẩm đó chủ yếu là dùng trong gia đình và tặng cho bạn bè, anh em", ông nói.
 
Không chịu thất bại, ông lại khăn gói đến tận làng nghề Đồng Kỵ, các làng nghề ở Huế và tham quan ở một số xưởng làm gỗ lũa khác để học hỏi kinh nghiệm. Từ những đam mê, say sưa học hỏi, ông đã từng bước cải tiến, rút kinh nghiệm, chế tác từ những sản phẩm nhỏ đơn giản đến những sản phẩm có chi tiết phức tạp. Cứ thế, các sản phẩm được hoàn thiện dần và đạt tính nghệ thuật cao.
Một sản phẩm thô chưa được đánh bóng và quét sơn mài nhưng chúng dường như trở nên có hồn nhờ bàn tay tài hoa của "nghệ nhân".Anh-tin-bai

Một sản phẩm thô chưa được đánh bóng và quét sơn mài nhưng chúng dường như trở nên có hồn nhờ bàn tay tài hoa của "nghệ nhân".

 Đánh thức những thớ gỗ vô giác

Ngày qua ngày, ông Vỹ say mê đục, đẽo, bào, gọt, đánh bóng... để "thổi hồn" vào những gốc cây vô tri vô giác ấy, biến chúng thành những tác phẩm đẹp mắt. Trong số các "tác phẩm" ấy, có thể kể tới bộ salon 12 con giáp, bộ cửu long, cây tre trăm đốt, thần Tài, ông Thọ, cá chép vượt vũ môn... là những tác phẩm mà ông tâm đắc nhất. Chúng được ông tẩn mẩn chạm trổ rất khéo và kỳ công.
Ông Vỹ hào hứng chia sẻ với chúng tôi về cái nghiệp, về sự cuốn hút cái nghề mà ông đã trọn đời theo đuổi. Ông bảo: "Làm cái nghề này, con mắt nghệ thuật vẫn là quan trọng nhất. Cái khó khi chạm khắc gỗ là, từ một gốc cây thô, mình phải nhìn, phải định hình sao cho rễ này phù hợp với con gì, thế gì, nên đục như thế nào cho đẹp? Thế nào cho chuẩn dáng tượng, phù hợp với khúc gỗ có sẵn trong tự nhiên? Hơn nữa còn phải khéo léo, cẩn trọng "thổi cái hồn" của chính sản phẩm mình muốn tạo ra, làm cho nó có sức sống và sinh động. Muốn tạo một bức tượng cần phải hiểu được cái tâm, tính cách của nhân vật thì mới tạo nên được cái "hồn" trong tác phẩm. Để cho ra đời một tác phẩm phải ấp ủ rất nhiều thời gian để đánh đổi lại là một cái gật đầu của khách hàng".
Gần 20 năm trong nghề làm gỗ, ông Vỹ có rất nhiều kinh nghiệm: "Để biến những gốc cây vô hồn thành có hồn, không phải ai cũng làm được. Nghề này, yêu cầu phải có cái tâm, không chạy theo lợi nhuận thì sản phẩm mới có hồn và sẽ được khách hàng đón nhận. Nhiều sản phẩm phải làm ròng mấy tháng trời mới xong, làm không đạt, lần sau khách hàng không tìm tới nữa và đồng nghĩa là nghề mình đang lụi dần. Rồi có những gốc cây không phải đã tồn tại ở dạng thế đẹp và khi đó phải lấy công làm lời, mới cho ra sản phẩm ưng ý... Tốc độ đục chạm cũng phụ thuộc vào chất gỗ rắn - mềm, góc độ lắt léo, đường nét to nhỏ...".

Màu sắc của những sản phẩm này luôn là màu vàng, nâu sẫm hoặc đen sẫm, gợi lên màu thời gian và mang lại cho người xem một cảm giác chắc bền, hấp dẫn. Đặc biệt, tác phẩm gỗ lũa chỉ có giá trị khi nó đang ở dạng nguyên gốc cây ban đầu của nó. Khi chúng được chắp nối thì tác phẩm trở nên vô hồn và không còn giá trị nghệ thuật nữa.

 
Anh-tin-bai
Truyền lửa cho thế hệ mai sau
Bắt đầu mở xưởng mộc từ những năm 1980, hơn 30 năm sống với nghề này nhưng ông Vỹ vẫn không một ngày chán nản với công việc. Chính những sản phẩm tự tay làm ra lại làm cho ông càng thêm gắn bó với nghề hơn.
 
Năm nay đã 60 tuổi, ông vẫn hăng say căm cụi vẽ kiểu, đục đẽo không biết mệt mỏi. Niềm vui lớn nhất đối với ông là tiếp tục tạo ra nhiều tác phẩm khắc gỗ có giá trị nghệ thuật cao để làm đẹp cho đời.
 
Anh Lê Đình Kỷ (32 tuổi), con trai ông, được ông truyền cho những tinh tuý của cái nghề này. Ông Vỹ luôn tin tưởng người con trai sẽ kế tục và phát huy sự nghiệp của mình bởi ông đã truyền cho con trai niềm say mê khắc gỗ, tay nghề rất có triển vọng, có con mắt nghệ thuật.
Bên cạnh đó, hàng năm xưởng ông còn đào tạo nghề  tạo công ăn việc làm cho 4 - 5 lao động, chủ yếu là thanh niên nhưng có đam mê sáng tạo gỗ lũa. Hàng ngày, ông vẫn say mê truyền nghề cho những thanh niên này. Không có được những lớp học bài bản, không có giáo trình mà những bài học của ông luôn tạo ra những hiệu quả cho người học.
 
    Tống Văn Thìn (23 tuổi), là một trong những học viên trẻ và có triển vọng nhất cho hay: "Tốt nghiệp THPT, em ở nhà phụ giúp bố mẹ. Trước đây, em chưa từng cầm đục bao giờ, nhưng sau 2 năm học việc ở đây, nhờ bác Vỹ chỉ bảo mà bây giờ em có thể đục bất cứ con vật gì. Khéo léo, cần mẫn, tỉ mỉ là nguyên tắc của nghề đục chạm. Muốn làm được điều đó, cần có một cái tâm và niềm đam mê. Tuy nhiên, để có con mắt tạo hình tạo dáng từ những gốc cây thô em còn phải được chỉ bảo từ bác rất nhiều".
    Ông Vỹ vẫn luôn tâm niệm rằng, sáng tác những tác phẩm từ gỗ lũa là hơi thở, là lẽ sống của ông. Tuy nhiên, đó không chỉ là tạo ra những tác phẩm có giá trị cho đời mà còn phải truyền nghề cho lớp trẻ. Ông xem đó như là một nhiệm vụ cao cả mà ông cần phải thực hiện. Truyền nghề cho lớp trẻ chính là cách duy nhất để tiếp lửa cho những trăn trở của ông.
 
Thầy Cung Đình Đại, giáo viên trong huyện nghe danh ông Vỹ đã mời ông và các thợ về tận nhà để làm những sản phẩm gỗ lũa cho riêng gia đình. Thầy Đại không giấu nổi niềm đam mê các tác phẩm từ gỗ lũa của ông Vỹ, thầy chia sẻ: "Cái tài của ông Vỹ là ở chỗ, từ những rễ cây vô tri vô giác ông có thể hình dung và tạo ra được những sản phẩm có hồn và mang giá trị nghệ thuật cao. Có thể nói, những sản phẩm này có giá trị nghệ thuật hơn là giá trị sử dụng. Và khi đó, người chơi gỗ lũa cũng phải biết chơi thì mới hiểu hết giá trị của nó. Những tác phẩm của ông Vỹ đều mang trong đó sự ngộ nghĩnh trong các bức tranh dân gian. Từ con chim, con hổ, con tắc kè, con rắn, hay con khỉ… đều thể hiện một cách sinh động đến từng chi tiết nhỏ nhất trong từng thớ gỗ"

 

 

Lê Quyết - Báo Gia dinh.suckhoedoisong
BẢN ĐỒ XÃ HẬU THÀNH - HUYỆN YÊN THÀNH
image
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 33
  • Trong tuần: 98
  • Tất cả: 33,683
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ HẬU THÀNH
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Hồng Chinh - Chủ tịch xã

Trụ sở: Xã Hậu Thành - Huyện Yên Thành - Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: (0238)3868616 - Email: ubndhauthanh@gmail.com

 

EMC Đã kết nối EMC